Vào cuối tháng 10 năm ngoái, Apple đã chính thức ra mắt thế hệ MacBook Pro với series chip M3 mạnh mẽ. Dòng Macbook Pro đã tồn tại trong một thời gian dài, với những thay đổi mỗi năm, có khi thành công, khi lại thất bại như dải Touch Bar mà công ty đã loại bỏ hoàn toàn trên thế hệ MacBook Pro này.
Nhưng nâng cấp rõ ràng nhất hầu như luôn là bộ xử lý, kể từ khi Apple chuyển sang silicon của riêng mình thay cho Intel, thì hãng đã củng cố vị trí của mình trên thị trường laptop cho công việc.
Sau 9 tháng sử dụng MacBook Pro 16 inch M3, tôi nhận thấy đây chính là laptop tốt nhất cho mọi công việc của mình, từ chỉnh sửa hình ảnh, đến video và hầu như bất kỳ tác vụ sáng tạo nào đòi hỏi bộ xử lý mạnh mẽ. Cùng với đó, tôi cũng nhận thấy có một vài điểm mà sẽ tốt hơn nếu Apple cải tiến trên dòng laptop cao cấp này.
Thiết kế không thay đổi, đầy đủ kết nối và màn hình tuyệt đẹp
Về thiết kế thì MacBook Pro M3 gần như không thay đổi so với thế hệ trước, với cùng một vỏ máy, cổng và khu vực tản nhiệt, cùng một cơ chế bản lề trơn tru và bàn phím chính xác. Hai cổng USB-C ở bên trái, một cổng USB-C, một khe cắm HDMI và một khe cắm thẻ SDXC ở bên phải. Chip M3 tiêu chuẩn có USB-C 4 trong khi phiên bản M3 Max mà tôi đang dùng có hỗ trợ Thunderbolt 4, cho phép sạc, truyền dữ liệu và video nhanh hơn, bao gồm cả Displayport, thông qua một cáp duy nhất.
Máy có đủ cổng kết nối cần thiết
Có khe cắm thẻ SD là một điều rất tiện lợi, tôi có thể lấy thẻ từ camera và cắm trực tiếp vào laptop để truy cập ảnh và video. Thật khó hiểu khi Apple loại bỏ khe thẻ này trên MacBook Pro vài năm trước, như dù sao thì hãng cũng đã lắng nghe và mang nó trở lại trong các đời máy gần đây.
Kiểu dáng của MacBook Pro từ trước đến nay đều rất tốt, đơn giản, gọn gàng, sang trọng và cứng cáp. Tuy chất liệu kim loại có thể khá dễ bám vân tay, nhất là màu đen Space Black, nhưng nhờ thiết kế tối giản nên việc vệ sinh dấu vân tay cũng không quá khó khăn.
Khe cắm thẻ SD tiện dụng
Một điều cần lưu ý là với kích thước màn hình 16 inch thì MacBook Pro này không thật sự là mẫu laptop phù hợp cho mọi người, nếu kích thước và tính di động là ưu tiên hàng đầu thì MacBook Pro 14 inch sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc hơn.
Phiên bản 16 inch có trọng lượng 2,2 kg và kích thước 356 x 248 x 17mm, nhưng trên thực tế sử dụng thì máy cũng không quá nặng nề. Ngoài ra, nếu thường sử dụng balo để mang laptop thì cũng không cần lo về kích thước hay trọng lượng cho lắm. Tôi cũng mang máy trong một số chuyến đi công tác và không cảm thấy khó chịu vì kích thước của nó, đổi lại thì màn hình lớn và pin lâu hơn là một lợi thế hữu ích.
Đối với một số chuyến công tác cần đi bộ nhiều hoặc dự tính sẽ đi dạo cả ngày khám phá xứ người nhiều hơn, tôi lúc đó chuyển sang MacBook Pro 14 M3 hoặc MacBook Air 15 M3 để ưu tiên độ nhẹ cho 1 ngày dài. Nói đến đây cũng phần phải cảm ơn iCloud khi tôi có thể lưu tất cả file quan trọng cho công việc và cá nhân để đến khi cần là có thể dùng được ở mọi loại máy đang có, kể cả iPad hay iPhone.
Sau gần 1 năm sử dụng thì lớp hoàn thiện vẫn rất đẹp, không bị bong tróc hay mòn đi
Màn hình Liquid Retina XDR của máy thật sự ấn tượng, cho màu sắc chính xác nhờ, độ sáng và độ tương phản tuyệt vời với tỉ lệ tương phản là 1.000.000:1. Độ sáng 1000 nits có thể tăng lên đến 1600 nits cho nội dung HDR và trong suốt thời gian sử dụng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu sáng, ngay cả khi sử dụng máy ngoài trời.
Màn hình của MacBook Pro không phải loại chống chói, sử dụng ngoài trời có ánh sáng trực diện có thể bị ảnh hưởng nhưng rất may độ sáng cao cũng phần nào giúp hạn chế vấn đề này. Màn hình có tốc độ làm mới lên đến 120Hz, đảm bảo mọi thứ luôn hiển thị mượt mà. Nhìn chung, đối với các công việc chỉnh sửa video, hình ảnh mà tôi thường làm trên máy thì gần như không có gì phải phàn nàn và tôi có thể an tâm “tin” vào những gì mình thấy trên màn hình.
Màn hình lớn 16 inch mang đến nhiều không gian làm việc
Kích thước 16 inch cũng giúp có nhiều không gian làm việc hơn, nhất là khi mở nhiều cửa sổ cho từng ứng dụng khác nhau. Bên cạnh đó, tính năng Sidecar cũng cho phép kết nối iPad và dùng như một màn hình phụ, kết hợp điều khiển bằng Universal Control.
Với Universal Control, tôi chỉ cần trackpad và phím trên MacBook là có thể điều khiển cả trên iPad Pro M4. Ở đây tôi đang một bên chỉnh sửa ảnh (trên MacBook) và bên trái là để dàn layout tạm cho dự án sách ảnh của bản thân.
Nếu bạn có bộ đôi MacBook và iPad thì hãy thử qua tính năng Universal Control này, nó thật sự rất hữu ích đấy. Chưa kể đến Sidecar cũng là một tính năng khác giúp biến iPad thành màn hình hiển thị thứ 2 nhằm mở rộng không gian làm việc.
Đối với bàn phím thì mẫu MacBook Pro 2023 không khác so với tiền nhiệm. Các phím có đèn nền, hành trình phím thấp nhưng phản hồi tốt, về chất lượng thì không có gì để chê trách.
Tôi vẫn rất thích tiếng tanh tách phát ra mỗi khi gõ từ bàn phím của các dòng MacBook, nó tạo cảm hứng rất nhiều trong quá trình làm việc của tôi. Với bên kia chiến tuyến, có lẽ chỉ có bàn phím của dòng Lenovo ThinkPad mới có thể tạo được cảm giác thích thú tương tự ở tôi.
Trackpad của MacBook từ lâu đã được khen ngợi và trên MacBook Pro 16 inch thì vẫn nhạy, rộng rãi và chính xác như mong đợi. Bên cạnh đó, các thao tác cử chỉ trên MacOS chính là thứ khiến tôi mê mẩn ở sản phẩm laptop từ Apple nhất: tiện lợi, chính xác, phản hồi ngay tức thì.
Hiệu năng mạnh mẽ cho cả ngày dài và một chút giải trí với game
Mỗi thế hệ chip M mới đều hứa hẹn những tiến bộ đáng kể về sức mạnh xử lý. M3 Max thật sự giúp mọi công việc trở nên dễ dàng, bộ xử lý này có CPU 16 lõi với 12 lõi hiệu năng và 4 lõi tiết kiệm điện, cùng với đó là GPU lên đến 40 lõi, khả năng ray tracing bằng phần cứng, Neural Engine 16 lõi và phiên bản của tôi là 48GB RAM.
Tuy Apple vẫn cung cấp những tùy chọn bộ nhớ cao hơn, nhưng chiếc MacBook Pro của tôi thật sự đã có thể xử lý được mọi tác vụ mượt mà. Nếu không cần một bộ xử lý quá mạnh thì phiên bản với chip M3 Pro có lẽ vẫn là lựa chọn tốt với số tiền ít hơn.
Thử nghiệm trên PugetBench for Photoshop thì MacBook Pro 16 inch M3 Max dễ dàng vượt mặt các mẫu máy Intel với cách biệt đáng kể là khoảng 11 nghìn điểm so với 7 nghìn điểm . Các mẫu MacBook với chip của Apple được tối ưu cho Adobe và đều xếp vị trí cao trong danh sách thử nghiệm PugetBench. Nếu công việc chính của bạn xoay quanh các phần mềm của Adobe thì không có gì phải lo lắng cả.
Điểm PugetBench for Photoshop của M3 Max vượt các mẫu Intel Core hàng đầu
Intel mới đây đã ra mắt dòng chip di động Lunar Lake mới. Tương tự như Apple M series, Lunar Lake là hệ thống xử lý tích hợp cả CPU, GPU và RAM lên một con chip. Gần đây tôi cũng có dịp trải nghiệm ASUS Zenbook S 14, là một trong những laptop đầu tiên có Lunar Lake, do đó cũng khá thú vị khi so sánh hai chipset này.
Có thể thấy dù là điểm Cinebench hay PugetBench thì M3 Max đều vượt trội rất nhiều so với Core Ultra 7 258V của Zenbook S 14. Ví dụ Cinebench của Core Ultra 7 258V cho điểm CPU đa nhân là 9830 và đơn nhân là 1843, trong khi đó M3 Max lần lượt là 22884 và 1854.
Có thể thấy single core cả 2 có phần đều nhau nhưng khi đến multicore thì M3 Max bỏ khá xa Core Ultra 7 258V của nhà Intel. Tôi đoán rằng dù có lên đến bản Core Ultra 9 thì điểm đa nhân chắc cũng khó chạm đến mức M3 Max của Apple.
So đến phần hiệu năng khi xử lý các tác vụ cho dân làm sáng tạo nội dung, tôi sử dụng tool PugetBench để chạy các bài kiểm tra hiệu năng trên Adobe Premiere Pro và Adobe Photoshop.
Cụ thể, PugetBench Premiere Pro của Core Ultra 7 258V cho số điểm 3263 còn MacBook là 7988, PugetBench Photoshop của Zenbook S 14 là 6658, còn MacBook Pro M3 Max là 11195. Có thể thấy trong hai bài benchmark ứng dụng của Adobe thì M3 Max cho khả năng cao gấp đôi Core Ultra 7 258V. Tuy nhiên, dù sao Core Ultra 7 258V cũng là chip tầm trung trong Core Ultra Series 2, do đó so sánh chỉ mang tính chất tham khảo “cho biết”, phiên bản mạnh nhất của Core Ultra Series 2 hiện tại là Core Ultra 9 288V.
Kiểm tra trên cùng phiên bản Photoshop 25.12.0, điểm của MacBook Pro 16 M3 Max vượt xa những chiếc laptop chạy Core Ultra 258V.
Với Premiere Pro 24.6.1, kết quả cũng tương tự khi thấy M3 Max có điểm số gấp đôi.
Bên cạnh làm việc thì MacBook Pro giờ đây cũng chơi game rất tốt. Trước đây macOS thường không được biết đến như một hệ điều hành thân thiện với game, nhưng Apple đã thay đổi rất nhiều kể từ khi chuyển sang chip tự phát triển, sự kiện WWDC 2023 đã đánh dấu việc Apple nghiêm túc bước chân vào thị trường game khi hãng công bố đưa các game “bom tấn” đến nền tảng của mình.
Công bằng mà nói, khả năng chơi game của macOS vẫn chưa thể bằng được Windows, tuy nhiên đang tốt lên theo thời gian. MacBook Pro 2023 ra mắt với hệ điều hành macOS 14 Sonoma và vừa được cập nhật lên macOS 15 Sequoia hồi tháng 9. macOS 15 phần nào giúp tối ưu hơn khả năng chạy game của MacBook Pro 16 inch M3 Max.
Thử nghiệm với Death Stranding thì tốc độ fps gần như không thay đổi, nhưng ổn định hơn. Trước đây khi tôi thử với macOS 14 Sonoma, game có thể sụt xuống khoảng 5x fps, nhưng hiện tại với Sequoia, máy chưa bay giờ để sụt dưới mức 60 fps dù là khu vực nhiều hiệu ứng, giúp trải nghiệm chơi mượt mà hơn. Một số ứng dụng/game cũng hỗ trợ Universal Purchase, cho phép mua game trên một hệ điều hành (ví dụ iOS) và sử dụng trên hệ điều hành khác (như macOS) theo cùng tài khoản, người dùng không cần tốn tiền mua lại nhiều lần.
macOS 15 giúp chơi game ổn định hơn một chút
Như đã nói ở trên, phiên bản 16 inch ngoài màn hình lớn thì cũng mang lại thời lượng pin dài hơn so với bản MacBook Pro 14 inch. Apple cho biết máy có thể hoạt động lên đến 22 giờ so với 18 giờ của phiên bản nhỏ hơn. Quá trình sử dụng thực tế cho thấy pin của MacBook Pro 16 inch M3 Max thật sự rất đáng nể, tôi có thể sử dụng máy khá thường xuyên trong ngày mà vẫn chưa hết pin.
Bạn có thể đem máy đi cafe, làm việc bên ngoài mà không cần lo lắng về thời lượng pin và có thể sạc qua cổng MagSafe, giúp an toàn hơn khi sạc máy ở những nơi đông người qua lại như quán cafe, không sợ vướng dây sạc và làm rơi máy. Bộ sạc đi kèm là 140W giúp sạc máy cũng rất nhanh.
Trong quá trình sử dụng các tác vụ cực nặng thì máy cũng hơi nóng lên nhưng không đến mức gây khó chịu.
Những điều tôi muốn Apple cải thiện ở MacBook thế hệ kế tiếp
Nhìn chung sau một thời gian dài sử dụng, MacBook Pro 16 inch M3 Max hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của tôi và macOS 15 mới càng giúp chiếc máy trở nên tốt hơn, nhưng vẫn có một số điều mà nếu Apple có thể cải thiện trong các phiên bản tương lai để giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn nữa.
Đầu tiên là về màn hình, tất nhiên về chất lượng thì đã rất tốt nhưng do tính chất công việc của tôi đôi khi cần mở máy ở mọi nơi (kể cả khi đang ngồi khu vực ngoài trời của quán cafe) thì màn hình không chống chói của MacBook Pro có thể gây một chút khó chịu. Nếu trong các phiên bản tương lai, Apple có thể mang màn hình với nano-texture như trên iPad Pro M4 lên MacBook thì sẽ tốt hơn rất nhiều, dù giá thành có thể sẽ cao hơn nhưng tôi sẵn sàng chi trả thêm để có màn hình không chói nhưng chất lượng vẫn tuyệt vời.
Mỗi lần ra cafe, tôi cầm iPad Pro M4 bản có lớp phủ nano-texture thấy thích hẳn, nhất là lúc ngồi ngoài trời có ánh nắng chiếu trực tiếp xuống mà vẫn không bị chói, xem nội dung vẫn rất đẹp và rõ ràng. Nếu như MacBook trong tương lai cũng được trang bị lớp phủ này thì hay biết mấy.
Bàn phím của máy có chất lượng rất tốt, nhưng sử dụng lâu dài, các phím có xu hướng bám dầu và khó lau chùi, hy vọng các phiên bản sau sẽ được cải thiện.
Sau một thời gian sử dụng, các phím có xu hướng bám dầu và khó lau chùi
Một điều nữa là dù đã hỗ trợ game tốt hơn, nhưng số đầu game AAA trên macOS vẫn còn hạn chế, với việc chip M series hiện đã rất mạnh mẽ, hy vọng Apple sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các hãng game để phát hành game cho Mac, ví dụ nếu GTA VI phát hành cùng lúc trên Mac với Windows thì đó sẽ là một cột mốc lớn trong lĩnh vực game đối với Apple.
Nguồn : https://genk.vn/do-choi-so.chn